C.H.I.C.K. Program Online - No.02

Ấp trứng gia cầm nhân tạo - 3.000 năm lịch sử

 

...

 

--> Giới thiệu

--> Máy ấp cổ đại

--> Sự phát triển của các máy ấp hiện đại

--> Kết luận

 

...

 

ẤP TRỨNG GIA CẦM NHÂN TẠO
- 3.000 NĂM LỊCH SỬ -

(Artificial incubation of poultry eggs
- 3,000 years of history -)

Tác giả: Marcelo PANIAGO, DVM, MSc, MBA, Giám đốc Thị trường khu vực về Gia cầm

CEVA Animal Health Châu Á - Thái Bình Dương - Petaling Jaya, Selangor, Malaysia

.

GIỚI THIỆU

Ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm những năm vừa qua có sự phát triển hoàn toàn vượt bậc. Do đó, kỹ thuật ấp trứng nhân tạo ngày càng tiên tiến cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Trong ba ngàn năm qua, quy trình ấp trứng thay đổi từ máy ấp thô sơ thời kì Ai Cập, phát triển thành khái niệm ấp trứng một giai đoạn duy nhất (single stage incubation: tất cả các trứng đưa vào máy ấp có cùng giai đoạn phát triển) nhờ sử dụng máy móc cực kì tinh vi. Vì thế, các thiết bị cũng được nghiên cứu và đưa ra giới thiệu các tính năng hỗ trợ hiệu quả. Trong bài này, sẽ tóm tắt lịch sử rất thú vị này.

^ Đầu trang

.

MÁY ẤP CỔ ĐẠI

Vào khoảng 3.000 năm trước đây, máy ấp trứng ban đầu của người Ai Cập chính là một tòa nhà lớn được xây dựng bằng gạch và bùn với một loạt các phòng nhỏ (lò) nằm hai bên đường chính giữa nhà. Ở phần trên của các “phòng ấp nhỏ” này, có các kệ đựng trấu, phân lạc đà hay than để cung cấp nhiệt cho các trứng ở phía dưới. Lỗ thông hơi được đặt trên nóc của các buồng cửa van để giúp cho việc đốt lửa, khói được thoát ra ngoài cũng như cung cấp ánh sáng. Lối vào của mỗi phòng ấp bên trong thông qua một cửa nắp nhỏ.

Hàng ngàn trứng được để trên sàn của mỗi phòng ấp và được xoay hai lần một ngày. Kiểm soát nhiệt độ trong phòng bằng cách kiểm soát độ mạnh của ngọn lửa, sự mở ra của cửa nắp và bằng sự mở ra liên tục của các lỗ thông gió trên nóc lò và hành lang. Độ ẩm được kiểm soát bằng cách rải các sợi đay ẩm lên trứng khi cần thiết.

Trong hệ thống ấp trứng thô sơ này, nhiệt độ, độ ẩm và độ thông gió được kiểm tra và điều chỉnh dựa vào kinh nghiệm, chứ không hề sử dụng các thiết bị đo như nhiệt kế. Các nhân công làm việc thật sự sống bên trong tòa nhà này. Nhờ thế, họ sẽ sớm nắm bắt và đánh giá được độ ẩm, nhiệt độ và đường đi của không khí bằng cách sử dụng các giác quan của chính họ. Người quản lý trại ấp sẽ đưa ra quyết định điều chỉnh cuối cùng. Nói cách khác, họ có thể phát hiện bất cứ thay đổi nào so với thực tế. Ví dụ như họ thường kiểm tra nhiệt độ của trứng bằng cách để trứng chạm vào mí mắt - phần nhạy cảm nhất của cơ thể để đánh giá nhiệt độ.

Aristotle, triết gia người Hy Lạp, đã viết về gia cầm từ khoảng năm 400 trước Công nguyên, miêu tả các máy ấp trứng có phương pháp ấp tương tự như người Ai Cập, nhưng nhiệt độ dùng để ấp lại được cung cấp bằng cách chôn trứng vào đống phân đang phân hủy.

Ấp trứng nhân tạo cũng được thực hiện ở Trung Quốc từ rất sớm, khoảng năm 246 trước Công nguyên và phương pháp này cũng được sử dụng rộng rãi ở vùng Đông Nam Á. Cũng như Ai Cập, một tòa nhà được bao quanh bởi các bức tường dày và xây dựng bằng gạch và bùn được sử dụng để ấp trứng và bên trong nó có một loạt các lò gạch bùn được đun nóng bằng than củi. Tương tự như người Ai Cập, nhiệt độ của trứng cũng được đo nhờ vào mí mắt.

Người Trung Quốc còn tận dụng khái niệm truyền nhiệt. Sau khi phôi gà phát triển, họ tận dụng hơi ấm mà phôi sản xuất ra và do đó không cần thêm nhiệt vào; bằng cách để lẫn lộn trứng được ấp trong một khoảng thời gian dài  với trứng mới ấp, nhiệt độ phôi sẽ giúp làm ấm các trứng mới được đưa vào. Vào ngày ấp thứ 16, trứng được lấy ra và để vào khu vực ấp trứng khác trong trại, đây là nơi được bao phủ bằng một tấm chăn và ấp các trứng này từ ngày 19 đến ngày 21.

^ Đầu trang

.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC MÁY ẤP HIỆN ĐẠI

Vào giữa năm 1600, các chuyên gia người Ai Cập được đưa sang châu Âu để xây dựng và thực hiện một trại ấp theo kiểu Ai Cập, nhưng họ không thành công và dự án bị hủy bỏ. Có lẽ, sự thất bại này là do điều kiện khí hậu bất lợi trong suốt mùa đông ở châu Âu hoàn toàn khác biệt với nhiệt độ ấm và tương đối ổn định ở Ai Cập - một nhân tố mang lại thành công cho phương pháp của họ.

Sau thất bại của máy ấp kiểu Ai Cập ở châu Âu, mục tiêu trở thành phát triển các máy móc cơ khí tinh vi hơn. Vào năm 1750, một nhà khoa học người Pháp, de Beaumur, đã công bố “Một nghệ thuật ấp trứng và chăn nuôi các loài gia cầm ở bất kì thời điểm nào trong năm, nhờ vào nhiệt độ của lò hay bằng ngọn lửa thông thường”. Tác giả này dùng sự lên men để làm ấm mấy ấp cũng được biết đến như là loại thô sơ của nhiệt kế.

Hơn 100 năm sau, có nhiều máy ấp thực nghiệm được sản xuất, một số sử dụng nước nóng, một số làm ấm bằng than và một số khác bằng hơi nước. Tuy nhiên, chỉ có một số ít thành công vì chúng không thể điều hòa mức biến thiên của nhiệt độ với sự chênh lệch nhỏ.

Trong nửa sau thế kỷ 19, sự ra đời của máy điều nhiệt để kiểm soát nhiệt độ chính xác cho phép sự phát triển của các máy ấp hiệu quả hơn. Từ thời điểm này, một số mô hình của máy ấp cỡ nhỏ được phát triển và bán ra chủ yếu cho các trại gia cầm có quy mô nhỏ.

Trong thập kỉ đầu của thế kỉ 20, xuất hiện khái niệm mới của các máy ấp ở Hoa Kỳ. Các máy “thông gió bắt buộc” chạy bằng điện đã cách mạng hóa việc sản xuất gà con một ngày tuổi không chỉ trong tỉ lệ nở mà còn trong chất lượng gà con. Các máy ấp “thông gió bắt buộc” này cho phép sản xuất số lượng lớn gà con với rất ít lao động chân tay và nhờ thế làm giảm chi phí sản xuất. Ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm thương mại như ngày hôm nay là nhờ cuộc cách mạng này.

Từ năm 1960 trở đi, ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm tiến bộ cực kì nhanh trên toàn thế giới và hai thay đổi nổi bật đã xảy ra. Thứ nhất chính là kích thước đàn gia cầm ngày càng tăng với các đàn có số lượng lớn và được chăn nuôi trong một trại duy nhất và do đó, khả năng của máy ấp phải được tăng lên để hỗ trợ cho sự phát triển này. Sự tiến bộ thứ hai có liên quan đến kỹ thuật. Từ đó, các trại ấp trở thành khu vực có kỹ thuật tiên tiến nhất được điều khiển bằng máy móc để điều chỉnh nhiệt độ với mức thay đổi chỉ 0.1oC, thay đổi ẩm độ tự động bằng cách kiểm soát độ ẩm, trứng được tự động xoay 24 lần một ngày, có hệ thống báo động cảnh báo cho bất kì vấn đề nào của máy, tất cả các thông tin cần thiết được cung cấp trên một màn hình hiển thị kỹ thuật số bên ngoài của máy, và hơn nữa, một hệ thống hoạt động hoàn chỉnh có thể được giám sát và kiểm soát thông qua hệ thống máy tính trung ương.

Thế kỉ 21 đã chứng kiến sự phát triển của công nghệ thậm chí còn phức tạp hơn nhiều nhằm cải thiện việc giám sát và kiểm soát môi trường trong máy ấp. Hệ thống đo lường tự động khí CO2, trọng lượng bị mất từ trứng và thậm chí là nhiệt độ của trứng tại chỗ đã được phát triển và các dữ liệu này được sử dụng để kiểm soát sự gia tăng nhiệt, làm mát, làm ẩm và độ thông gió của máy. Quá trình phát triển liên tục của các thiết bị trong trại ấp là một phần của ngành công nghiệp chăn nuôi năng động và hiệu quả nhất trên thế giới.

^ Đầu trang

.

KẾT LUẬN

Kể từ khi người Ai Cập bắt đầu thực hiện quy trình ấp trứng nhân tạo, các nguyên tắc của việc ấp trứng được hình thành, bao gồm điều kiện môi trường ấm và ẩm cho trứng và số lần quay trứng định kì. Có một điều thú vị cần chú ý, sau ba ngàn năm, các máy móc hiện đại hoạt động cơ bản theo cùng một cách. Thành công của các máy ấp thô sơ phụ thuộc rất nhiều vào nhân công sống trong máy ấp. Ngày nay, các máy móc hiện đại cao với sự điều khiển tự động tất cả các thông số của sự sống nhưng thành công của cả quy trình vẫn dựa vào những người làm việc trong trại ấp. Nói cách khác, người quản lý và nhóm làm việc của họ chính là nhân tố quyết định sự thành công trong trại ấp.

^ Đầu trang

.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Berry, J.G. Artificial Incubation. Oklahoma Cooperative Extension Service.
 In: http://pods.dasnr.okstate.edu/docushare/dsweb/Get/Document-2104/F-8100web.pdf
 Accessed in 17/07/05

Chicken Chronicles. The Ancient Art of Incubation.
 In: http://groups.msn.com/CHICKENCHRONICLES/incubation.msnw

Deeming, C. Incubation technology in the 21st century: Are we close to replacing the hatchery manager? Poultry International. Volume 44, Number 7, June 2005.

Martin, R. D. The development of Artificial Incubation of Eggs. February 2002.
 In: http://www.bernalpublishing.com/poultry/essays/essay01.shtml
 Accessed in 17/07/05

 

<< Trở về trang C.H.I.C.K. Program Online

Đầu trang