Bệnh do Salmonella

Giống Salmonella (thuộc họ vi khuẩn đường ruột Enterobacteriaceae) gồm hơn 2.400 biến chủng khác nhau (serotype).

Salmonella gây bệnh trên gà có thể chia thành hai loại. Loại bệnh thứ nhất do các chủng không di động gây ra, gồm S. pullorum gây bệnh bạch lị trên gà con và S. gallinarum gây bệnh thương hàn gà. Loại thứ hai do các chủng Salmonella di động - chủ yếu là S. Enteritidis và S. Typhimurium - gây ra bệnh phó thương hàn.

BỆNH BẠCH LỊ

Bệnh bạch lị là bệnh truyền nhiễm cấp tính trên gà con và gà tây con, lan truyền mầm bệnh qua trứng và có triệu chứng điển hình là tiêu chảy phân trắng (Hình 1) với tỉ lệ chết cao. Nếu bị nhiễm bệnh trong giai đoạn trưởng thành thì gia cầm sẽ trở thành động vật mang trùng và không biểu hiện triệu chứng. Tỉ lệ bệnh và tỉ lệ chết nhiều nhất trong giai đoạn 7 đến 10 ngày tuổi sau khi nở. Gà bị nhiễm bệnh sẽ ngủ lơ mơ, suy nhược và tăng trưởng chậm. Lông xung quanh lỗ huyệt của vài con sẽ bị bết phân tiêu chảy hay kết dính lại với phân đã khô (Hình 2).

Hình 1 Tiêu chảy phân trắng ở gà con

Hình 2 Phân tiêu chảy khô lại tại lỗ huyệt

Đôi khi sẽ thấy triệu chứng phù ở khớp nối xương ống chân - cổ chân (Hình 3). Bệnh bạch lị xuất hiện ở tất cả các nhóm tuổi của gà và gà tây, nhưng thiệt hại nặng nhất ở những gia cầm dưới 4 tuần tuổi.

Hình 3 Phù ở khớp nối xương ống chân - cổ chân

Tác nhân gây bệnh là S. pullorum, vi khuẩn Gram (-), không di động. S. pullorum rất thích hợp với khí hậu ôn hòa và có thể tồn tại được trong môi trường này vài tháng. Có thể xông trại ấp trứng gà giống bằng formaldehyde để diệt S. pullorum.

Triệu chứng đại thể điển hình là xuất hiện các nốt màu trắng xám trên một hay một vài cơ quan sau: tim (Hình 4), phổi, gan, thành của mề (Hình 5) và ruột, phần phúc mạc.

Hình 4 Các nốt màu trắng xám trên tim

Hình 5 Các nốt màu trắng xám trên tường mề

Đôi khi, sẽ thấy trên gan có rất nhiều điểm hoại tử nhỏ màu trắng xám (Hình 6). Ở các gà mái mang trùng, S. pullorum sẽ lan truyền mầm bệnh qua trứng (truyền dọc). Một số gà con mới nở bị nhiễm S. pullorum do lây truyền ngang với các gia cầm khác qua đường tiêu hóa và đường tiết niệu. Các gia cầm mang trùng trưởng thành cũng làm lây lan mầm bệnh qua chất bài thải của chúng.

Hình 6 Những điểm hoại tử nhỏ màu trắng xám trên gan

Lách lớn hơn bình thường và xuất huyết (Hình 7). 

Hình 7 Lách bị xuất huyết và lớn hơn bình thường

Để chẩn đoán chính xác, S. pullorum nên được phân lập và định týp.

Bệnh bạch lị nên phân biệt với bệnh do các Salmonella khác gây ra, bệnh nhiễm trùng do E. coli, bệnh do nấm Aspergillus (với các bệnh tích trên phổi tương tự), Staphylococcus aureus gây ra viêm khớp,… Đôi khi các nốt trên phổi cũng khá giống với các khối u ở bệnh Marek.

BỆNH THƯƠNG HÀN GÀ

Bệnh thương hàn gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính hay mãn tính, chủ yếu gây bệnh trên gà mái và gà tây.

Nguyên nhân gây bệnh là Salmonella gallinarum. Vi khuẩn này thường có một số kháng nguyên chung với S. pullorum nên hai vi khuẩn này thường có hiện tượng ngưng kết chéo.

Sự lây lan mầm bệnh quan trọng nhất là qua các trứng bị nhiễm. Ngoài ra, sự lây lan S. gallinarum cũng xuất hiện giữa các đàn gia cầm hậu bị hay trưởng thành với tỉ lệ chết cao.

BỆNH THƯƠNG HÀN GÀ CẤP TÍNH

Dịch bệnh thường bắt đầu với hiện tượng sụt giảm lượng tiêu thụ thức ăn và lượng trứng sản xuất một cách đột ngột. Tỉ lệ thụ tinh và số lượng trứng nở cũng giảm đáng kể. Tiêu chảy xuất hiện. Tỉ lệ chết trong bệnh thương hàn gà cấp tính cao và thay đổi từ 10% đến 90%. Khoảng 1/3 gà con mới nở từ trứng bị nhiễm bệnh sẽ chết. Bệnh tích điển hình là gan lớn hơn bình thường và chuyển sang màu xanh đồng (Hình 8).

Hình 8 Gan lớn hơn bình thường và chuyển sang màu xanh đồng

Trong một số trường hợp, gan lớn hơn bình thường với lốm đốm các điểm hoại tử (Hình 9). Bệnh này thường xuất hiện chủ yếu trên gà mái và gà tây, nhưng đôi khi cũng thấy trên một số gia cầm khác và chim hoang dã.

Hình 9 Những điểm hoại tử nhỏ trên gan bị tăng sinh

Vài trường hợp, kích cỡ hoại tử trên gan thay đổi từ điểm cho đến đốm với đường kính 1 - 2 cm (Hình 10). Không giống bệnh bạch lị, bệnh thương hàn kéo dài đến vài tháng.

Hình 10 Đốm hoại tử đường kính 1 - 2 cm trên gan

Lách lớn hơn bình thường 2 đến 3 lần, đôi khi có các nốt màu trắng xám nổi trên bề mặt. Các nốt này chính là các nang trong lách phát triển lớn hơn bình thường (Hình 11).

Hình 11 Lách lớn hơn bình thường 2 đến 3 lần với các nốt màu trắng xám nổi trên bề mặt

Viêm ruột thường xảy ra, nhất là ở phần trước của ruột non. Đôi khi, cũng xuất hiện các vết loét (Hình 12).  

Hình 12 Viêm ruột với các vết loét

Hoại tử trên mô tim do độc tố của Salmonella ít khi xảy ra (Hình 13).

Hình 13 Hoại tử trên mô tim

Phổi chuyển sang màu nâu đặc trưng (Hình 14). Trong hình này, cũng quan sát được các điểm hoại tử cùng với các “nốt giống ung thư”.

Hình 14 Màu nâu đặc trưng của phổi với các “nốt giống ung thư”

BỆNH THƯƠNG HÀN GÀ MÃN TÍNH

Bệnh tích chủ yếu ở tuyến sinh dục. Buồng trứng bị viêm và thoái hóa dần (Hình 15). 

Hình 15 Buồng trứng bị viêm và thoái hóa dần

Các nang trứng bị nhiễm bệnh thường biến dạng và xuất hiện các khối u tròn, thành dày và nhão (Hình 16).

Hình 16 Nang trứng biến dạng với các khối u tròn nhão

Nên nhờ rằng việc sử dụng thuốc không thể điều trị các động vật mang trùng thành lành bệnh.  Do đó, chữa trị các gia cầm bị nhiễm bệnh không được khuyến khích.

Nếu chuẩn đoán xác định đàn gà giống bị mang trùng thì trứng của chúng không nên sử dụng để làm giống cho lứa tiếp theo.

Bệnh thương hàn gà nên phân biệt với bệnh do các Salmonella khác gây ra, bệnh nhiễm trùng do E. coli, do Pasteurella spp.,…

BỆNH PHÓ THƯƠNG HÀN GÀ

Phó thương hàn gà là bệnh cấp tính hay mãn tính trên gia cầm và một số loài chim hay động vật có vú khác. Bệnh này do một số chủng Salmonella di động gây ra, các chủng này không có vật chủ cố định. Tỉ lệ bệnh và tỉ lệ chết cao nhất trong khoảng 2 tuần đầu tiên sau khi nở. Có thể nhìn thấy xuất huyết có lẫn các sợi huyết ở manh tràng (Hình 17). Hầu hết các cơ quan bị nhiễm bệnh có chứa độc tố ruột (endotoxin) và là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bệnh như tiêu chảy, mất nước và xuất hiện hỗn hợp lỏng dính xung quanh hậu môn.

Hình 17 Xuất huyết có lẫn các sợi huyết ở manh tràng

Tác nhân gây bệnh do khoảng 10 đến 15 chủng Salmonella gây ra nhưng được phân lập nhiều nhất là S. Enteritidis S. Typhimurium. Khi mổ khám bệnh, sẽ thấy ruột bị viêm, xuất huyết và chảy dịch. Manh tràng chứa đầy gelatine, sợi huyết và chất dịch giống-như-phô-mai. Đây là triệu chứng đặc trưng để xác định bệnh do Salmonella gây ra, nhưng không phải tất cả các chủng đều gây ra triệu chứng này. Chất dịch viêm có lẫn sợi huyết trong manh tràng thường có hình dạng y như các nếp gấp của niêm mạc (Hình 18). 

Hình 18 Chất dịch viêm có lẫn sợi huyết có hình dạng y như các nếp gấp niêm mạc của manh tràng 

Đôi khi cũng nhìn thấy vùng hoại tử trên gan (Hình 19).

Hình 19 Hoại tử trên gan

Bệnh xuất hiện ở gà con là do sự xâm nhập của vi khuẩn vào bên trong trứng sau khi trứng bị vấy nhiễm phân. Sự lây lan mầm bệnh này có thể cũng làm các nguồn protein động vật bị nhiễm vi khuẩn (thịt và bột xương,…). Các loài gặm nhấm cũng là nguồn chứa vi khuẩn gây ra bệnh phó thương hàn quan trọng.

Điều trị có thể ngăn chặn phần nào nhưng không loại trừ hoàn toàn bệnh. Khi điều trị đúng cách, tỉ lệ chết sẽ giảm và hệ thống miễn dịch của gia cầm được hình thành.

 

 (Nguồn: "Diseases of poultry - A colour atlas" - Ivan Dinev & CEVA Santé Animal, 2010)

.

<< Trở về trang trước

Đầu trang