Nguyên nhân gây ra tình trạng nhạt màu nâu của vỏ trứng gà

.

 

...

 

-->Giới thiệu

-->Hình thành Vỏ trứng và Hình thành Sắc tố

-->Các nguyên nhân làm giảm màu nâu của vỏ trứng

 

...

 

.

Nguyên nhân gây ra tình trạng nhạt màu nâu của vỏ trứng gà

(Factors causing poor pigmentation of brown-shelled eggs)

Tác giả: Gary D. ButcherRichard D. Miles - trường đại học Florida IFSA (Viện Khoa học Nông nghiệp và Thực phẩm)

.

 

Giới thiệu

Hiện tượng mất màu nâu của vỏ trứng gà được ghi nhận và báo cáo đầu tiên vào năm 1944, khi Steggerda và Hollander đang lau sạch đất bẩn bám trên vỏ trứng tại một trại chăn nuôi gà hướng trứng giống Rhode Island Red. Hai người đã rất ngạc nhiên khi phát hiện thấy có một vài trứng đã mất hoàn toàn màu vỏ nâu. Hiện tượng này càng rõ ràng hơn khi trứng được lau rửa sạch bụi bẩn. Dường như các trứng bị mất sắc tố trên vỏ khá dễ chỉ bằng một động tác lau sạch đất bẩn?

Thật ra, không chỉ có một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mất màu vỏ nâu của trứng gà, mà phải nghi ngờ đến nhiều tác nhân khác. Tình trạng các trứng gà có nhiều màu vỏ khác nhau thường thấy trên gà giống hướng thịt nhiều hơn khi so với gà hướng trứng thương phẩm. Trong đàn gà giống hướng thịt, chúng ta thường thấy một loạt các trứng có màu vỏ biến đổi từ màu nâu đậm cho đến màu nhợt nhạt khá trắng. Hiện tượng này xảy ra do đàn gà giống không quá quan tâm đến chỉ tiêu ‘tất cả trứng phải có màu nâu như nhau’ như đàn gà hướng trứng thương phẩm khi tiến hành lựa chọn gien. Đa số người chăn nuôi và các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm công nghiệp đều hiểu rằng: mất sắc tố nâu trên vỏ trứng có thể là kết quả từ khá nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hấp tấp kết luận rồi đổ lỗi hiện tượng mất màu vỏ trứng và các biến đổi màu trên chỉ do một nguyên nhân duy nhất. Và ‘nguyên nhân’ bị trách cứ nhiều nhất chính là bệnh Viêm Phế quản. Một số tuyên bố như ‘Tôi biết đàn gà của tôi đã bị Viêm Phế quản do vỏ trứng quá nhợt nhạt’ hoặc ‘Tất cả những gì mà ông phải làm lúc này là chứng thực giúp đàn gà trại tôi có bị Viêm phế quản hay không? Tôi chỉ cần nhìn vào màu sắc vỏ trứng -- nếu vỏ trứng nhợt nhạt như thế này thì chúng đã bị bệnh Viêm Phế quản rồi”… thường vẫn được nghe trong trang trại nuôi. Các tuyên bố này cứ được tin tưởng mà không hề có chứng cứ khoa học nào về nó, họ không hề thực hiện kiểm tra hiệu giá kháng thể của đàn gà đối với Viêm Phế quản, không xem xét đến lịch tiêm phòng bệnh Viêm Phế quản hoặc thực hiện mổ khám tìm các bệnh tích điển hình.

Theo nghiên cứu, nguyên nhân thường dẫn đến hiện tượng mất sắc tố trên vỏ trứng không phải do Viêm Phế quản mà là do đàn gà đang phải đối mặt với stress, ví dụ như sự sợ hãi là nguyên nhân thông thường dẫn đến mất màu vỏ trứng. Tuy vậy, cũng không nên quá chắc chắn một nguyên nhân nào hết, ngoại trừ bạn đã rà soát tất cả các nguyên nhân nghi ngờ góp phần làm mất màu vỏ trứng và tìm ra được ‘thủ phạm’ cuối cùng, rồi tiến hành sữa chữa và giải quyết được vấn đề. Một số trường hợp, nguyên nhân thật sự gây ra sự mất màu vỏ trứng lại không bao giờ được tìm thấy.

Mục đích của bài viết này là xác định và thảo luận về các nguyên nhân nghi ngờ thường gặp và góp phần vào hiện tượng làm mất sắc tố trên vỏ trứng. Vì vậy, một bài đánh giá tổng quan về tình trạng mất sắc tố và nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề mất màu nâu của vỏ trứng.

^ Đầu trang

.

Hình thành Vỏ trứng và Hình thành Sắc tố

Một khi trứng vào được khu vực tạo vỏ trứng, được biết đến như tử cung (tuyến vỏ), trứng sẽ nằm ở đó khoảng 20 giờ. Trong suốt thời gian này, lớp vỏ sẽ được hình thành, hầu hết chất Calcium Carbonate sẽ tích tụ quanh trứng để tạo lớp vỏ cứng bao ngoài lớp vỏ lụa và bảo vệ lòng trắng và lòng đỏ bên trong. Trong quá trình tạo vỏ trứng của gà hướng trứng giống Brown, các tế bào biểu mô nằm trên bề mặt tuyến vỏ bắt đầu tổng hợp và tích lũy các sắc tố. Ba sắc tố chính là biliverdin-IX, hợp chất chelate kẽm của biliverdin-IX, và protoporphyrin-IX. Sắc tố có nhiều nhất trong vỏ trứng nâu hiện này là protoporphyrin-IX. Chất này tập trung hình thành tại thời điểm 3 đến 4 giờ cuối cùng của quá trình hình thành lớp vỏ và tích lũy chủ yếu ở lớp dịch tiết nhầy giàu protein của trứng - chính là lớp cutin. Mức độ tạo màu nâu của trứng phụ thuộc vào lượng sắc tố trực tiếp vào được lớp cutin. Lớp cutin giàu sắc tố này sẽ từ từ bao quanh vỏ trứng trong khi trứng di chuyển đến khu vực chuẩn bị đẻ trứng (đến được nơi này, khoảng 90 phút nữa gà sẽ đẻ trứng), bởi vậy, phân phối sắc tố trong suốt chiều dày của vỏ trứng sẽ không được đều nhau. Mặc dù vỏ trứng vẫn chứa một ít sắc tố có sẵn trong nó, nhưng lượng này vẫn không đủ để tạo ra màu nâu của trứng khi so với lớp cutin.

^ Đầu trang

.

Các nguyên nhân làm giảm màu nâu của vỏ trứng

Tình trạng Stress

Vì đa số sắc tố đều tụ tập trong lớp cutin, vì thế những yếu tố tác động đến sự tạo thành tế bào biểu mô trong tuyến vỏ để tổng hợp lớp cutin này, đều sẽ ảnh hưởng đến mật độ sắc tố trên vỏ. Điều này đặc biệt đúng trong 3 đến 4 giờ cuối cùng của quá trình tạo vỏ vì trong suốt thời gian này của chu trình đẻ trứng chính là thời điểm lớp cutin được tổng hợp và tích lũy nhiều nhất.

Các nguyên nhân gây stress cho đàn gà như mật độ nuôi trong chuồng quá dày, cách quản lý trong trại hay tiếng ồn,… đều dẫn đến giải phóng các hormone gây stress, đặc biệt là epinephrine. Hormone này một khi đã phóng thích vào máu sẽ gây ra hiện tượng trì hoãn đẻ trứng và chấm dứt hình thành lớp cutin trong tuyến vỏ. Các nguyên nhân gây stress trên đều là kết quả từ quá trình căng thẳng và sợ hãi của đàn gà, vì thế có thể làm cho vỏ trứng của chúng bị nhợt nhạt. Sự mất màu nâu này thường là kết quả của lớp vỏ canxi phát triển lấn át trên những phần đang hình thành lớp cutin hoặc lớp cutin không được phát triển đầy đủ từ sự hình thành lớp cutin bị ngừng quá sớm.

Trong trại chuồng thực nghiệm với mục đích nghiên cứu, đàn gà giống hướng thịt thường trở nên sợ hãi mỗi khi có một tác động nào đó đến chuồng, ví dụ như lúc thu lượm trứng, tiến hành chủng ngừa, phân đàn đồng đều, di chuyển chuồng và thực hiện đo tăng trọng. Khi các tiến trình này xảy ra, đàn gà sẽ đẻ những trứng có màu nhợt nhạt, đặc biệt nếu sự sợ hãi xảy ra vào thời điểm 3 đến 4 giờ cuối cùng của chu kỳ đẻ trứng. Thật vậy, mối quan hệ giữa stress và sản xuất trứng có vỏ nhợt nhạt rất có khả năng xảy ra và các nhà nhiên cứu đã đề nghị rằng: việc mất màu nâu của vỏ trứng có thể cho thấy một bằng chứng nên xem lại mức độ đang bị stress của đàn gà.

^ Đầu trang

.

Tuổi gà mái

Tùy thuộc vào tuổi đàn gà mái mà mật độ sắc tố trên vỏ trứng sẽ giảm tương ứng. Nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được biết. Có khả năng là do gà càng nhiều tuổi thì trứng đẻ ra sẽ càng lớn, trong khi đó số lượng sắc tố phân bố trên mỗi trứng lại không thay đổi, vì thế, lượng sắc tố này phân bố trên trứng càng lớn thì màu sắc trên vỏ sẽ càng nhợt nhạt hơn. Ngoài độ tuổi, hình dạng trứng cũng có ảnh hưởng đến sự phân bố màu sắc này, trứng có hình dài thường sẽ có màu nhạt hơn so với trứng hình dạng tròn. Trứng được đẻ ra trong giai đoạn stress thường bị giữ lại ở tuyến vỏ rồi xảy ra sự phát triển lấn át của lớp vỏ canxi trên bề mặt vỏ cũng được cho là nguyên nhân góp phần làm đàn gà mái già lại đẻ ra những trứng màu nhợt nhạt nhiều hơn.

^ Đầu trang

.

Sử dụng các thuốc trị bệnh

Sự suy giảm nhanh chóng các sắc tố trên vỏ thường là hậu quả sau khi sử dụng một số thuốc trị bệnh cho đàn gà, như kháng sinh nhóm Sulfonamide. Thuốc trị cầu trùng - Nicarbazin dùng cho gà bệnh với liều 5mg một ngày, cũng có thể dẫn đến việc xuất hiện các trứng màu nhợt nhạt trong vòng 24 giờ. Liều cao hơn có thể dẫn đến việc mất màu hoàn toàn của lớp cutin trên vỏ.

^ Đầu trang

.

Bệnh tật

Các bệnh do vi-rút gây ra, như bệnh Dịch tả Gà, Viêm Phế quản Truyền nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng trứng. Các vi-rút này có ái lực đặc biệt với màng nhầy của đường hô hấp và đường sinh sản. Bởi vì các vi-rút này xâm nhiễm trực tiếp và gây tổn thương đường sinh sản, vì thế triệu chứng bệnh sẽ được biểu hiện gián tiếp qua trứng. Do đó, năng suất trứng bị sụt giảm, vỏ trứng trở nên mỏng hơn và có màu nhợt nhạt bất thường, làm hình dạng của trứng cũng không được bình thường. Chất lượng các chất bên trong cũng bị ảnh hưởng (lòng trắng lỏng như nước). Các trứng có vấn đề như thế này có thể bị kéo dài trong suốt thời gian gà bị nhiễm bệnh.

^ Đầu trang

.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Baird, T., S. E. Solomon, and D. R. Tedstone. 1975. Localisation and characterisation of egg shell porphyrin in several avian species. Brit. Poultry Sci . 16:201-208.

Burley, R. W., and D. V. Vadehra, eds. 1989. The Avian Egg-Chemistry and Biology . John Wiley & Sons, Inc., New York.

Cook, J. K. A. 1986. Pale shelled eggs can be caused by IB virus. Misset International Poultry 2:38-39.

Hughes, B.O., and A. B. Gilbert. 1984. Induction of egg shell abnormalities in domestic fowl by administration of adrenaline. IRCS Med. Sci . 12:969-970.

Hughes, B.O., A. B. Gilbert, and M. F. Brown. 1986. Categorisation and causes of abnormal egg shells: Relationship with stress. Brit. Poultry Sci . 27:325-337.

Hunton, P.1992. The brown egg revolution-brown versus white: A fascinating comparison. Shaver Focus 21(2):1-2.

Kennedy, G. Y., and H. G. Vevers. 1975. A survey of avian egg shell pigments. Comp. Biochem. & Physiol . 55B:117-123.

Lang, M. R., and J. W. Wells. 1987. A review of eggshell pigmentation. World's Poultry Sci. J . 43(3):238-246.

McCartney, E. 1989. Infectious bronchitis update. Poultry Health Rept. Egg Industry (August): 12-16.

Mills, A. D., J. M. Faure, M. Picard, and M. Marche. 1987. Reflectometry of wet and dry eggs as a measure of stress in poultry. Med. Sci. Res . 15:705-706.

Mills, A. D., M. Marche, and J. M. Faure. 1987. Extraneous eggshell calcification as a measure of stress in poultry. Brit. Poultry Sci . 28:177-181.

Mills, A. D., Y. Nys, J. Gautron, and J. Zawadzki. 1991. Whitening of brown shelled eggs: Individual variation and relationships with age, fearfulness, oviposition interval and stress. Brit. Poultry Sci . 32:117-129.

Nys, Y., J. Zawadzki, J. Gautron, and A. D. Mills. 1991. Whitening of brown-shelled eggs: Mineral composition of uterine fluid and rate of protoporphyrin deposition. Poultry Sci . 70:1236-1245.

Polkinghorne, R. W. 1983. Factors affecting eggshell colour in crosses between Australorp and Rhode Island Red chickens. Aust. J. Agric. Res . 34:593-597.

Solomon, S. E. 1992. A question of color. Shaver Focus 21(2):2-3.

Solomon, S.E., B.O. Hughes, and A. B. Gilbert. 1987. Effect of a single injection of adrenaline on shell ultrastructure in a series of eggs from domestic hens. Brit. Poultry Sci . 28:585-588.

Steggerda, M., and W. F. Hollander. 1944. Observations on certain shell variations of hen's eggs. Poultry Sci . 23:459-461.

Sykes, A. H. 1959. The effect of adrenaline on oviduct motility and egg production in the fowl. Poultry Sci . 34:622-628.

.

GHI CHÚ

1. Tài liệu này được đánh số VM94, nằm trong bộ tài liệu của Phòng Khoa học Lâm sàng Dược phẩm Động vật, Bộ phận Hỗ trợ Hợp tác Chuyên sâu Florida, Viện Khoa học Nông nghiệp và Thực phẩm, trường đại học Florida. Xuất bản lần đầu tiên vào tháng Năm, 1995 và tái bản vào tháng Năm, 2003.

2. Gary D. Butcher, Bác sĩ Thú y chuyên Gia cầm, và Richard D. Miles, nhà Dinh dưỡng học Gia cầm, Phòng Khoa học Gia cầm, Bộ phận Hỗ trợ Hợp tác Chuyên sâu Florida, Viện Khoa học Nông nghiệp và Thực phẩm, trường đại học Florida.

 

<< Trở về trang EGGS Program Online

Đầu trang