C.H.I.C.K. Program Online - Số 21

Khử trùng Trứng đem Ấp - Tầm quan trọng và Khía cạnh Thực tiễn

 

 

...

 

--> Giới thiệu

--> Tại sao phải khử trùng trứng?

       +Các Mầm bệnh Chính thường gặp ở Trứng đem ấp

       + Cách Xâm nhiễm

       + Cách Xâm nhập của Vi khuẩn vào Trứng

--> Làm thế nào để khử trùng trứng đem ấp?

       + Cách lựa chọn Chất khử trùng

       + Cách khử trùng

            -Biện pháp Xông khử trùng

            -Biện pháp Phun trứng

            -Biện pháp Ngâm trứng

       + Hậu quả của Vệ sinh Không Đúng cách

--> Kết luận

--> Phụ lục I: Biện pháp Sử dụng Formol để Xông khử trùng (OIE - Luật vệ sinh đối với động vật trên cạn)

--> Phụ lục II: Các nhóm chất khử trùng chính và Đặc điểm của chúng

 

...

 

 

KHỬ TRÙNG TRỨNG ĐEM ẤP
- TẦM QUAN TRỌNG KHÍA CẠNH THỰC TIỄN -

(Disinfection of Hatching Eggs

- Importance and Practical Aspects -)

Tác giả: Dr. Vincent TURBLIN - Phó Giám đốc Thị trường Gia cầm

Ceva Animal Health châu Á - Selangor, Malaysia

.

Giới thiệu

Ngày nay, tiến hành vệ sinh và khử trùng trứng một cách nghiêm túc là một kiến thức được phổ biến khắp các trại ấp, vì đây là một phần trong mục tiêu tối ưu hóa năng suất gà con một ngày tuổi. Vệ sinh trứng tốt sẽ cải thiện được tỉ lệ sống và chất lượng gà con một ngày tuổi (Archienbuwa và Coll., 1980).

Trong thực tế, một số lượng lớn vi khuẩn có thể xâm nhập qua lớp vỏ trứng và điều này sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu chất lượng trong trại ấp, như tỉ lệ chết phôi giai đoạn sớm, tỉ lệ phôi bị nhiễm, tỉ lệ chết của gà con một ngày tuổi trước khi nở; bên cạnh các chỉ tiêu khác như: tỉ lệ chết khá cao và thể trọng gà con không đồng đều trong suốt tuần tuổi đầu tiên.

^ Đầu trang

.

1. TẠI SAO PHẢI KHỬ TRÙNG TRỨNG?

1.1 Các Mầm bệnh Chính thường gặp ở Trứng đem ấp

Trại ấp thường phải đối mặt với các mầm bệnh như sau (Thermote L., 2003):

  • Pseudomonas,
  • Escherichia coli,
  • Salmonella,
  • Mycoplasma,
  • Một số nấm mốc như Aspergillus fumigatus

^ Đầu trang

.

1.2 Cách Xâm nhiễm

Các vi sinh vật gây bệnh có thể xâm nhập vào trứng bằng nhiều con đường khác nhau (lan truyền dọc và/hoặc lan truyền ngang).

Lan truyền dọc trên các trứng đem ấp thường do nguyên nhân từ đường sinh sản của gà mẹ, kể cả phần cuối cùng có dính dáng đến đường tiêu hóa (lỗ huyệt). Bởi vậy, lan truyền dọc của mầm bệnh có thể được chia thành hai đường xâm nhiễm chính:

  • Lan truyền thông qua trứng: đối với những vi sinh vật đang thật sự tồn tại trong buồng trứng và đã xâm nhập vào trứng trước khi xuất noãn. Ví dụ như: Salmonella paratyphiSalmonella gallinarum là hai nguyên nhân điển hình nhất thường gặp trong con đường lan truyền này.
  • Lan truyền qua bề mặt vỏ trứng, từ đó mầm bệnh xâm nhập vào bên trong trứng. Hiện tượng này xảy ra trong suốt quá trình đẻ trứng, khi trứng tiếp xúc với lỗ huyệt của gà nhiễm bệnh hoặc ngay khi trứng tiếp xúc với phân và chất độn chuồng nhiễm bẩn. Salmonella enteritidisSalmonella typhimurium có thể được xem là hai ví dụ trong kiểu lan truyền dọc này.

Lan truyền ngang thường bắt nguồn từ bên trong trại ấp, từ một khối lượng lớn và đủ loại mầm bệnh lan truyền trong không khí, nước hay từ quy trình vận chuyển trứng, sẽ làm phát tán vi sinh vật vào bên trong trứng bằng cách tiếp xúc trực tiếp. Đây là cách xâm nhập của E.coli, PseudomonasStaphyloccocus.

Chính vì vậy, rất quan trọng khi cân nhắc đến môi trường nuôi của các trại gà hướng trứng, vì phụ thuộc vào tình trạng môi trường nuôi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ ‘sạch’ trên vỏ trứng (Widing G.P, 2000). Thậm chí chất lượng đường tiêu hóa của gà mẹ cũng có thể tác động đến chất lượng trứng (ngoài các chất dinh dưỡng, đôi khi các chất nhiễm độc cũng truyền đến phôi). Thật vậy, sau khi đẻ trứng, các trứng không bị nhiễm theo chiều dọc ‘mẹ truyền sang con’, thì vẫn bị phơi nhiễm khi đối mặt với tình trạng nhiễm khuẩn thực tế của đàn giống trong trại (có nhiễm Salmonella,…) và áp lực vi khuẩn đang tồn tại trong trại làm trứng bị thối rữa (như Pseudomonas), và nhất là trong các đàn bị tiêu chảy thì tỉ lệ trứng nhiễm sẽ gia tăng lên rất nhiều lần.

^ Đầu trang

.

1.3 Cách Xâm nhập của Vi khuẩn vào Trứng

Theo kiến thức đã biết, lớp cutin còn nguyên vẹn sẽ là một ‘hàng rào’ hiệu quả để cản trở sự xâm nhập. Tuy nhiên, các lớp cutin chưa biệt hoạt của trứng sạch mới đẻ lại khá dễ dàng bị xuyên thủng. Do đó, nên cân nhắc đến khả năng khi các trứng sạch mới đẻ này bị đặt tiếp xúc với các vật liệu cứng trong ổ đẻ, hay thậm chí bị chính gà mẹ gây ra các vết trầy xước trên trứng… và chính vì điều này, đây là giai đoạn nguy hiểm mà vi khuẩn thường lợi dụng để xâm nhập vào bên trong trứng (Sparks and Burgess, 1993).

Bên cạnh đó, có hàng ngàn lỗ thoát khí trên vỏ trứng để giúp trao đổi khí giữa bên trong trứng và môi trường bên ngoài. Hầu hết chúng sẽ được một lớp cutin bao bọc lại để cản trở sự xâm nhập của vi khuẩn và chất lỏng, nhưng vẫn có một số vị trí khác ‘bị bỏ trống’, và do đó, những lỗ thoát khí này sẽ vẫn là ‘con đường mở’ để vi sinh vật xâm nhập vào trứng.

Hơn nữa, cũng nên chú ý đến thời điểm ngay khi đẻ trứng, lúc này trứng sẽ chuyển từ một nơi có nhiệt độ 40°C sang một nơi lạnh hơn ở môi trường xung quanh. Trong suốt quá trình này, trứng sẽ bị khô và hạ nhiệt độ xuống, tạo ra một khoảng áp lực trên vỏ trứng. Để cân bằng áp lực bên trong và bên ngoài, không khí sẽ được ‘hút’ thông qua các lỗ thoát khí và do đó làm gia tăng sự xâm nhập của vi khuẩn vào bên trong (Bruce, J et coll., 1994, Lock, J.L., et coll., 1992).

Vì thế, để có được các trứng đem ấp hoàn toàn tốt, thì đây là một kết quả kết hợp từ quá trình thực hiện vệ sinh phòng bệnh chặt chẽ ở tất cả các bước, từ giai đoạn gà giống cho đến tận khi đưa vào trại ấp.

Nguồn: trang web của North Carolina Cooperative Extension Service

(http://www.ces.ncsu.edu/depts/poulsci/tech_manuals/contamination_hatching_eggs.html)

Bảng 1 & 2: Luật của OIE/WHO đối với các Động vật Trên cạn

^ Đầu trang

.

2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHỬ TRÙNG TRỨNG ĐEM ẤP?

Thực hiện khử trùng ngay lập tức khi trứng được thu lượm xong là một việc vô cùng quan trọng. Nếu không tiến hành ngay, sẽ tạo cơ hội tốt cho các vi khuẩn xâm nhập vào trứng thông qua các lỗ thoát khí trên vỏ trứng, và sau đó, chúng sẽ đến được lớp màng vỏ trứng. Khi vào được bên trong trứng, vi sinh vật sẽ không phải tiếp xúc với các chất khử trùng, và do đó, trong suốt quy trình ấp trứng, chúng sẽ tìm được điều kiện vô cùng thuận lợi để nhân lên bên trong lòng đỏ trứng. Chính vì thế, việc khử trùng nên nhắm đến thời điểm tiêu diệt được hầu hết các vi sinh vật trước khi chúng vào được bên trong trứng.

2.1 Cách lựa chọn Chất khử trùng

Chất khử trùng sử dụng trong trại nên thỏa mãn các yêu cầu khác nhau như sau:

  • Có phổ khử trùng rộng (để có thể phá hủy nhiều loại vi sinh vật, từ các vi khuẩn Gram (-) cho đến các vi khuẩn Gram (+) và các loại nấm mốc);
  • Hoạt động được ở nồng độ thấp;
  • An toàn cho người dùng cũng như cho trứng;
  • Kết cấu hóa học ổn định, không xảy ra bất kỳ tình trạng ăn mòn kim loại;
  • Tuân thủ các quy định theo pháp luật hiện hành của địa phương.

Ngoài ra, các chất khử trùng cũng phải cân nhắc đến các yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến độ hoạt động của chất khử trùng, như: loại bề mặt sẽ khử trùng và độ dơ/sạch của nó, đặc điểm sinh học của vi khuẩn, đặc điểm hóa lý của nước pha, nồng độ và nhiệt độ.

Các nhóm chất khử trùng chính, như sau:

  • Họ Halogen (Clo, Iod),
  • Họ Aldehyde,
  • Hợp chất amoni bậc bốn,
  • Phenol và các chất có nguồn gốc từ phenol,
  • Peroxide

Mỗi nhóm có đặc điểm và độ hoạt động trên phổ khử trùng khá khác nhau (tham khảo phần Phụ lục 2).

^ Đầu trang

.

2.2 Cách khử trùng

Theo luật vệ sinh đối với động vật trên cạn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) thuộc WHO, khử trùng trứng nghĩa là:

  • Xông khử trùng trứng bằng formaldehyde,
  • Sử dụng chất khử trùng trên vỏ trứng bằng cách phun sương hay ngâm, theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
  • Hoặc tiến hành các phương pháp khử trùng khác theo quy định của cơ quan thú y.

Hình 1: Ba biện pháp chính để khử trùng trứng trong trại

^ Đầu trang

.

2.2.1 Biện pháp Xông khử trùng

Nếu chỉ để formaldehyde tiếp xúc với trứng đem ấp thì không đủ để khử trùng trứng. Khi tiến hành biện pháp xông khử trùng, nên cân nhắc đến năm yếu tố sau:

  • Nồng độ formaldehyde,
  • Nhiệt độ,
  • Ẩm độ,
  • Thời gian xông,
  • Sự lưu thông khí.

Liên quan đến nồng độ formaldehyde, hiện nay không có một sự nhất trí nào về nồng độ hiệu quả tối ưu của formaldehyde trong vấn đề khử trùng trứng. Thông thường, có ba mức nồng độ khác nhau được sử dụng và hai phương pháp áp dụng khác nhau được chấp nhận (tham khảo phần Phụ lục 1).

Vì khí formaldehyde nhanh chóng mất hiệu quả ở môi trường nhiệt độ thấp và không khí khô, do đó, kiểm soát hai thông số này rất quan trọng. Vì thế, bên trong buồng ấp nên giữ được nhiệt độ 24°- 38°C và ẩm độ tương đối 60 - 80%.

Để hoàn tất quy trình khử trùng, thời gian tiếp xúc với chất khử trùng nên là 20 phút. Hơn nữa, cũng phải chú ý đến sự lưu thông khí để bảo đảm bề mặt vỏ trứng sẽ tiếp xúc hoàn toàn được với đợt khí tỏa ra. Sau quy trình, các khí này phải thoát hết ra ngoài một cách an toàn. Cuối cùng, để bảo đảm hiệu quả của toàn bộ quá trình khử trùng, các trứng đem ấp nên được để trong các giá đỡ dây, trong giỏ dây hoặc tách từng vỉ trứng, chứ không được xếp chồng lên nhau. Tiến hành bước này để giúp sự lưu thông khí và khả năng tiếp xúc giữa trứng với khí formaldehyde nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình xông khử trùng, biện pháp an toàn rất quan trọng và nên được theo dõi cẩn thận. Một số biện pháp phòng ngừa nên được áp dụng, bao gồm cả: tránh sử dụng các khay đựng bằng nhựa hay polyethylene vì nhiệt sinh ra từ các phản ứng hóa học có thể đốt cháy các vật liệu này. Bên cạnh đó, để tránh nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra, các khay đựng nên để dốc hướng ra ngoài. Ngoài ra, cũng phải chú ý sử dụng các thùng chứa đủ lớn để hai chất hóa học đem pha trộn không chiếm quá một phần tư tổng dung lượng của nó (thể tích). Tốt nhất, các thùng chứa nên có dung lượng ít nhất lớn hơn mười lần tổng các chất thành phần. Ngoài ra, người thực hiện quy trình này nên đeo mặt nạ để tránh việc kích thích lên mắt và mũi.

Mặc dù formaldehyde đã được sử dụng rộng rãi trong một thời gian dài, nhưng nó vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu để khử trùng cho trứng (Scott và Swentnam, 1993). Trong trại ấp, không thấy phôi nào bị chết khi áp dụng biện pháp xông khử trùng đúng cách bằng formaldehyde (Scott et al., 1993).  Hơn nữa, khi tiến hành xông, khí formol cho thấy hiệu quả thật sự trong việc triệt tiêu các vi sinh vật bám trên vỏ trứng, trong hộp, trong máy nở hay mọi vật liệu khác (tất nhiên các vật liệu này đã được vệ sinh sạch trước đó). Tuy vậy, formaldehyde lại chỉ có hiệu quả tương đối nếu có nhiều chất hữu cơ dơ bẩn còn sót lại. Bên cạnh đó, dường như đã phát hiện ra vài trường hợp đề kháng của vi sinh vật đối với formol (Furuta, K., Maruyama, S., 1991).

Tuy nhiên, nghiên cứu không còn tập trung vào formol nữa, kể từ khi luật pháp quy định của một số nước được ban hành, trong báo cáo trước đây của tổ chức Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC / WHO) đã chỉ ra rằng chất này gây ung thư cho con người. Vì thế, nhiều nước đang tìm kiếm các giải pháp khác để thay thế chất này trong việc khử trùng trứng, cũng như để thay thế đặc tính không mong muốn của formaldehyde nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn hiệu quả của nó.

Bảng 3: Quy trình Xông khử trùng tại Trại ấp

^ Đầu trang

.

2.2.2 Biện pháp Phun trứng

Giống các quy trình khử trùng khác, phương pháp phun cũng có một số quy tắc cần tuân thủ để có được những trứng đem ấp sạch sẽ và khỏe mạnh:

  • Lựa chọn và pha loãng chất khử trùng sẽ sử dụng: ngoài một số tiêu chuẩn liên quan đến khả năng hoạt động của chất khử trùng, không nên sử dụng bất kỳ hợp chất nào có thể làm giảm đi sự trao đổi khí qua vỏ trứng.
  • Sử dụng chính xác: để tiêu diệt nhiều nhất mọi vi sinh vật đang hiện diện trên vỏ trứng. Quan trọng nhất phải làm sao để dung dịch khử trùng thấm đều và làm ướt bề mặt vỏ trứng --> đây cũng là mặt hạn chế của phương pháp khử trùng này vì phụ thuộc vào cách phun sương thích hợp (trong các trang trại nuôi, điều này thường thay đổi rất nhiều) mà các trứng ở phía xa có được phun khử trùng hay không?
  • Trong điều kiện rất lạnh, để tránh mọi hiện tượng sốc nhiệt, nên làm ấm nước pha trước khi chuẩn bị pha loãng dung dịch khử trùng để phun lên trứng.

^ Đầu trang

.

2.2.3 Biện pháp Ngâm trứng

Hình 2 & 3: Hình minh họa cho phương pháp ngâm trứng bằng tay đối với những trứng dơ còn sót lại

Phương pháp này nên được thực hiện một cách vô cùng cẩn thận. Vì một vài lý do nhìn thấy được, nhiệt độ nên được theo dõi thường xuyên để tránh xảy ra tình trạng sốc nhiệt. Đặc biệt, sau khi ngâm trứng dơ, phần chất bẩn dính trên vỏ trứng sẽ đọng lại trong dung dịch khử trùng và điều này có thể gây ra:

  • giảm độ hoạt động của chất khử trùng,
  • gây nhiễm sang các trứng sạch của lô khác.

Để tránh hai vấn đề này, nên tiến hành lựa chọn trứng trước khi tiến hành biện pháp ngâm trứng này (không ngâm trứng dơ trước) và phải thay đổi dung dịch khử trùng thường xuyên (ít nhất một lần một ngày).

^ Đầu trang

.

2.3 Hậu quả của Vệ sinh Không Đúng cách

Lựa chọn và sử dụng chất khử trùng thích hợp là một bước rất cần thiết để có được kết quả vệ sinh trứng tốt và ngăn chặn được các rủi ro sẽ phát sinh trong trại ấp, đặc biệt khi quần thể vi khuẩn trên vỏ trứng có thể chạm mốc 300.000 CFU sẽ chỉ còn lại khoảng 300 trên vỏ trứng sạch (Wineland & Carmen, 2007). Từ khi công suất của các máy ấp hiện nay được cải tiến lên 40.000 trứng thì lại có hàng ngàn trứng và gà con trở nên dễ bị ‘tấn công’ hơn nếu chỉ một vài trứng trong đó bị nhiễm, nứt hay vỡ. Thực hiện một quy trình vệ sinh tốt sẽ là một cách giảm thiểu tỉ lệ xâm nhiễm của vi khuẩn hiệu quả và giúp trại sản xuất ra các gà con chất lượng.

^ Đầu trang

.

 

Kết luận

Khử trùng trứng chỉ được xem như một cách để bảo đảm quá trình ấp trứng được suôn sẻ chứ không thể sửa chữa được tất cả các sai lầm mắc phải trước đó. Nhìn chung, nhờ quy trình này, trại ấp có thể duy trì chất lượng trứng ở mức tốt đang có, chứ không thể cải thiện rõ rệt năng suất của trại.

Tuy nhiên, ở khâu cuối cùng của quá trình nuôi, chất lượng gà con một ngày tuổi sẽ được đánh giá tại lò mổ, thông qua đó, sẽ biết hiệu suất kinh tế của các trứng đem ấp lúc đầu như thế nào. Và như một tỉ lệ thuận giữa cấp độ tăng trưởng và khả năng sản xuất, trại ấp phải bảo đảm khả năng sản xuất tốt nhất cho các trang trại nuôi. Khử trùng trứng không nhất thiết phải thực hiện, nhưng lại là bước bắt buộc cần phải làm để có được gà con một ngày tuổi chất lượng, vì thế, nên tuân thủ theo các hướng dẫn chính xác để có quy trình khử trùng trứng tốt nhất. Hơn nữa, việc kiểm tra kết quả thường xuyên nên được thực hiện nhiều hơn với sự giúp đỡ từ các bộ kít thử nghiệm mới. Đây là sự tiến triển, đặc biệt với sự thay thế tích cực của formol bằng các sản phẩm khác mà vẫn giữ nguyên được hiệu quả như cũ.

^ Đầu trang

.

LỜI CÁM ƠN

Ceva Animal Health châu Á chân thành cám ơn sự cộng tác của Dr. Mahatma Arafat (DVM, Viện Nông nghiệp CEAV) để xuất bản bài báo này.

.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

_ Board R.G., Ayres J.C., Kraft A.A., Forsythe R.H., 1964: The microbiological contamination of egg shells and egg packing materials. Poult. Sci., 43, 584-595.

_ Bruce J., Drysdale E.M., 1994: Trans-shell transmission in Microbiology of the Avian Egg. Pages: 63-91.Eds. Chapman and Hall, London, England.

_ Code sanitaire pour les animaux terrestres, OIE, 2006.

_ Faruta K., Maruyama S., 1991: Bacterial contamination of eggs during incubation and hatching and of fluffs of newly hatched chicks. Br. Poultry Sci. 22:247-254.

_ Lock J.L., Dolman J., Board R.G., 1992: Observations on the mode of bacterial infection of hen’s eggs. FEMS Microbiol. Letters 100:71-74.

_ Marris. P, 1986: Efficacité de désinfectants sur la contamination des oeufs. Bull Rech vet, 17 (2) 123-128.

_ Sparks N.H.C and Burgess A.D., 1993: Effect of spray sanitising on hatching egg cuticle efficacy and hatchability. British Poultry Science 34: 655-662.

_ Scott T.A., C. Swetnam, 1993: Screening sanitizing agents and methods of application for hatching eggs. I. Environmental and User Friendliness. Journal of Applied Poultry Research. 2:1-6.

_ Scott T.A., C. Swetnam and R. Kinsman, 1993: Screening sanitizing agents and methods of application for hatching eggs. III. Effect of concentration and exposure time on embryo viability. Journal of Applied Poultry Research 2: 19-25.

_ Thermotes, Lies, 2003: effective hygiene within the hatchery. International hatchery practice, volume 20, N° 5.

_ Wineland M., Carmen C.: Spray sanitizing hatching eggs. North Carolina State University: http://www.ces.ncsu.edu/depts/poulsci/

.

^ Đầu trang

...

.

PHỤ LỤC I: Biện pháp Sử dụng Formol để Xông khử trùng (OIE - Luật vệ sinh đối với động vật trên cạn)

Phương pháp 1

a. Nồng độ A

53 ml formol (37.5%) và 35g KMnO4 mỗi m3 bề mặt.

Điều này có thể được diễn giải như sau:

5,25 oz thể tích (148,5 ml) formol (37,5%) và 3,5 oz khối lượng (98g) KMnO4 cho mỗi 100 ft3 (2,8 m3) bề mặt.

b. Nồng độ B

43 ml formol (37.5%) và 21g KMnO4 mỗi m3 bề mặt.

Điều này có thể được diễn giải như sau:

4 oz thể tích (120 ml) formol (37,5%) và 2 oz khối lượng (60g) KMnO4 cho mỗi 100 ft3 (2,8 m3) bề mặt.

c. Nồng độ C

45 ml formol (40%) và 30g KMnO4 mỗi m3 bề mặt.

Điều này có thể được diễn giải như sau:

4,5 oz thể tích formol và 3 oz khối lượng KMnO4 cho mỗi 100 ft3 bề mặt.

d. Quy trình

Xông trứng đem ấp và các thiết bị bằng formol, nên được thực hiện trong một phòng hay một khu được xây dựng đặc biệt bằng các vật liệu chống thấm và kín gió. Các quạt thông gió cũng rất cần thiết để khí bên trong được lưu thông trong suốt quá trình xông formol và tống hết khí còn thừa sau khi quy trình xông hoàn tất.

Tổng dung lượng phòng xông trứng này nên được xác định chính xác từ các thông số thực tế bên trong. Tuy nhiên, sẽ không tính phần không gian đặt khay, trứng hay các dụng cụ cần xông formol. Số lượng dung dịch khử trùng sử dụng sẽ dựa vào tổng dung lượng này.

Đặt ở chính giữa sàn, để một hoặc nhiều đồ đựng khác nhau rải rác khắp phòng, các đồ đựng này nên là kim loại, đất nung, xi măng hay các vật liệu chống cháy khác.

Một máy tạo hơi nóng hay máy nước nóng nên để sẵn trong phòng để duy trì nhiệt độ ở mức 75°-100°F (24°-38°C). Chảo hay các đồ đựng đầy nước khác cũng nên để trong phòng nhằm có được độ ẩm tương đối ở mức 60-80%.

Nên để KMnO4 vào đồ đựng TRƯỚC KHI đổ formol vào.

Đổ một lượng formol cần thiết vào trong phần KMnO4 đã chuẩn bị trước trong đồ đựng.

Rời khỏi phòng nhanh nhất có thể và đóng cửa. Người tiến hành nên đeo mặt nạ khi đổ formol vào đồ đựng.

Cửa phòng nên đóng thật chặt và dán một dải băng keo nhằm ngăn việc cửa mở bất ngờ.

Quạt nên chạy ổn định để luân chuyển khí formol trong phòng và thời gian xông nên là 20 phút.

Sau 20 phút, khí còn dư nên được tống hết ra ngoài qua lỗ thông gió và dẫn ra ngoài phòng.

Cánh cửa phòng cũng nên mở ra để việc thoát khí formol ra ngoài dễ dàng hơn.

Phương pháp 2

Một phương pháp thay thế khác chính là sử dụng khí formol được tạo ra từ sự bay hơi của paraformaldehyde. Cách thức thực hiện như trong hướng dẫn và người thực hiện chỉ cần để một lượng bột cần thiết trên một miếng kim loại đã làm nóng trước.

Phương pháp này cần phải bảo đảm được ẩm độ tương đối trong phòng phải luôn luôn giữ ở tầm 60-80%.

10g bột hay viên paraformaldehyde sử dụng cho mỗi m3 bề mặt.

^ Đầu trang

.

PHỤ LỤC II: Các nhóm chất khử trùng chính và Đặc điểm của chúng

NHÓM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA NHÓM

ĐIỂM MẠNH

BẤT LỢI

NHÓM
 HALOGEN

1. Các sản phẩm chứa Clo

- Nước Javen (NaOCl)

- Chloramine

- Na isocyanurate

- Rất phổ biến trong ngành chế biến nông sản thực phẩm

- Phổ khử trùng rộng

- Chi phí vừa phải

- Độc tính thấp

- Độ ổn định thấp (nhiệt độ, ánh sáng)

- Nhạy cảm cao với vật liệu hữu cơ

- Độ hoạt động gắn liền với pH
 (thấp khi pH dưới 7.3)

- Gây dị ứng cho mắt

2. Các sản phẩm chứa Iod

- Độ hoạt động rất tốt

- Rẻ

- Hoạt động được trong nhiệt độ thấp

- Độc tính thấp

- Làm ố màu cho vật liệu

- Gây ăn mòn

- Có hại với môi trường

NHÓM
 ALDEHYDE

Formol

Mối quan ngại về sức khỏe khi sử dụng formol đã làm tăng nhu cầu sử dụng thực tế của glutaraldehyde.

- Độ hoạt động rộng

- Rẻ

- Không thật sự chịu ảnh hưởng từ pH (độ rộng pH sử dụng)

- Tác động không nhanh

- Thẩm thấu chậm

Glutaraldehyde

- Tác động chậm

- Gây độc và nguy hiểm

- Mùi gây kích thích

HỢP CHẤT AMONI BẬC BỐN

Độ hoạt động rộng trên vi khuẩn Gram (+) và nấm mốc.

Thường kết hợp với nhóm aldehyde để mở rộng khả năng tác động trên vi khuẩn Gram (-) và cải thiện khả năng tiêu diệt virus mạnh hơn.

- Khả năng giữ ẩm

(một ít chất tẩy),

- Không ăn mòn

- Phân hủy tốt

- Độ hoạt động rất tốt

- Không tương thích với các sản phẩm sản phẩm anion.

- Tính nhạy cảmvới các vật liệu hữu cơ… thường bị bão hòa khi có mặt nhóm aldehyde.

PHÉNOL VÀ CÁC
 CHẤT DẪN XUẤT TỪ PHÉNOL

Nếu sử dụng một mình phenol thì hiệu quả nhận được rất hạn chế do độc tính quá mạnh của nó. Các chất dẫn xuất từ phenol thường được sử dụng để khử trùng hơn.

Chủ yếu:

- Chloro- 4 -Méthyl 3 phénol

- Benzyl- 4 -chlorphénol

-Khử trùng tốt

-Tính nhạy cảmthấp với các vật liệu hữu cơ

- Có thể gây ra dị ứng trên da

(phần dưới da)

- Khả năng tiêu diệt virus thấp

- Nhạy cảm với nước

- Không tương thích với các sản phẩm cation

- Quan ngại về sinh thái

(phân hủy sinh học)

- Bị cấm ở vài nước công nông nghiệp

- Mùi gây kích thích

NHÓM PEROXYDE

Hai loại thường sử dụng:

- Hydrogen peroxyde

- Peracetic acid

- Hiệu quả tốt

- Rất không ổn định

(nhiệt độ, vật liệu hữu cơ,… )

- Nguy hiểm khi thao tác

^ Đầu trang

 

<< Trở về trang C.H.I.C.K. Program Online

Đầu trang